Loạt bài "Cơ hội thời cô vít" sẽ giúp các Doanh Nghiệp tham khảo một góc nhìn tích cực trong lúc khó khăn để tìm thấy tia sáng, không phải ở cuối đường hầm, mà ngay trước mặt mình. Bài đầu tiên, tôi viết về ngân sách marketing.
Khủng hoảng không dành cho riêng ai. Bạn gặp khó, đối thủ của bạn cũng vậy, và có khi còn khó hơn. Khi đối thủ cắt bỏ phần lớn hay gần như toàn bộ ngân sách marketing, đó là lúc thời cơ đến với bạn. Lúc bình thường, hầu như tất cả các ông lớn đều chi mạnh vào marketing. Họ quảng cáo (advertisement), PR (public relations), làm sự kiện (event), tài trợ (sponsorship), khuyến mại tiêu dùng (consumer promotion), khuyến mãi cho các đại lý, nhà phân phối (trade promotion) khắp nơi, làm cho hoạt động marketing của bạn như bị chìm nghỉm trong đại dương các hoạt động của đối thủ. Dù bạn có chi khủng thì so với các đối thủ lớn hơn, bạn vẫn không là "cái đinh" gì; và dù bạn có cố làm cho đình đám, thì giữa vô vàn tiếng ồn, âm thanh nhỏ nhoi của bạn vẫn chỉ như "muối bỏ bể".
Mùa virus, đối thủ gần như im bặt. Các ông lớn với bộ máy cồng kềnh, chi phí cao, giờ sắp "đứt hơi". Đây là lúc bạn nên mạnh dạn cất tiếng, dù có vẻ ngược dòng, nhưng sẽ rất hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả về độ nhận biết thương hiệu (brand awareness), và sự nổi bật về thương hiệu (brand distinctiveness). Khi cả thế giới im lặng, một tiếng nói nhỏ của bạn, sẽ dễ dàng được khách hàng, người tiêu dùng nhận ra. Và bạn sẽ đạt được hiệu quả cao hơn tính trên chi phí một đồng ngân sách dành cho marketing so với lúc bình thường.
Lẽ đương nhiên, bạn phải tính đến yếu tố sức mua, lúc này có thể kém hơn giai đoạn bình thường, nhưng cũng không loại trừ trường hợp có những mặt hàng có sức mua cao hơn lúc bình thường. Tôi KHÔNG khuyên bạn phải dốc toàn lực ra làm marketing lúc này, nhưng hãy nên nghĩ đến yếu tố này để có những "toan tính" riêng, tùy thuộc vào đặc thù DN của bạn. Đây là lúc bạn có thể tranh thủ để thực hiện giấc mơ nhỏ thắng lớn, ít thắng nhiều. Những đối thủ to xác khi đã thấm mệt hay đói khát, họ ngồi thừ, thở dốc, không thể lê nổi bước chân. Bạn nhỏ con, gọn gàng, dù có đói lả, cũng có thể túc tắc đi bộ chầm chậm để tiến bước.
Có thể bạn lại sẽ đặt câu hỏi, nhà nghèo, còn gặp khó, tiền đâu mà làm marketing. Tôi sẽ hỏi lại bạn, vậy trai nghèo mà còn xấu, liệu có lấy được vợ không? Tôi đã đặt câu hỏi này trước hội trường hàng nghìn người ở những lần hội thảo offline về marketing, trong đó có DIGITAL MARKETING, hàng nghìn người đều trả lời có. Họ khẳng định, trai nghèo và xấu cũng có thể lấy được vợ, mà có khi còn được vợ đẹp nữa là khác. Và tôi cũng đã chứng minh cho họ thấy cách làm marketing của "trai nghèo" như thế nào?
Vậy thì đừng cứ ngồi đó mà thắc mắc và than thở nữa. Hãy nhấc cái mông lên và bắt tay vào hành động. Khủng hoảng là cơ hội. 100 năm mới có một lần để bạn thu hẹp khoảng cách và vượt qua những đối thủ to xác, nhưng thụ động và chậm chạp.
Nguồn: Nguyễn Hữu Long - Phát Triển Doanh Nghiệp Việt